XU HƯỚNG GIÁ ĐIỆN: NHẬN ĐỊNH CHO CÁC BÊN THAM GIA DPPA TÀI CHÍNH
Xu hướng giá điện đang định hình thị trường điện Việt Nam. Trong bài phân tích mới nhất của SEIAC, Chúng tôi nghiên cứu tác động của xu hướng giá điện đối với các Đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo (ĐV NLTT) và các khách hàng tiêu thụ điện lớn (KHL). Cho dù Công ty bạn đang lên chiến lược bán điện qua cơ chế DPPA tài chính hay tối ưu hóa chiến lược mua điện của mình, thì việc hiểu được xu hướng giá điện - giá thị trường điện, giá bán lẻ - là điều quan trọng. Đọc bài phân tích ngắn trong tệp đính kèm để nắm được xu hướng giá điện và từ đó lên chiến lược mua bán điện cho Công ty của bạn: “Xu hướng giá điện: Nhận định cho các bên tham gia DPPA tài chính."
Theo Nghị định 57/2025/NĐ-CP, ngày 03/3/2025, giá điện – gồm giá thị trường điện toàn phần (FMP) và giá bán lẻ điện (PBL) ảnh hưởng doanh thu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (ĐVPĐ NLTT) và chi phí điện năng của khác hàng sử dụng điện lớn (KHL). Vì vậy, nắm được xu hướng giá điện giúp ĐVPĐ NLTT xây dựng chiến lược đầu tư các dự án NLTT hợp lý, có cơ sở để đàm phán giá hợp đồng mua bán điện DPPA tài chính. Với KHL, việc theo dõi giá giúp xây dựng chiến lược mua hợp lý, giảm rủi ro và tối ưu chi phí hoạt động.
Nghiên cứu này phân tích giá thị trường điện, giá bán lẻ bình quân trong quá khứ và đưa ra nhận định giá điện tương lai. Nhằm cung cấp cho các bên liên quan bức tranh xu hướng giá điện, giúp các bên tối ưu lợi ích và thúc đẩy thị trường năng lượng bền vững.
1. Giá trần thị trường điện năm
i) Khái niệm:
Theo Thông tư 16/2025/TT-BCT, ngày 01/02/2025, giá trần thị trường điện (SMPcap)là mức giá điện năng thị trường cao nhất, được xác định cho từng năm. Giá trần thị trường điện cho năm N không cao hơn 115% giá trần bản chào cao nhất trong các tổ máy nhiệt điện trực tiếp chào giá trên thị trường điện, không thấp hơn giá biến đổi bình quân của các tổ máy nhiệt điện trực tiếp chào giá trên thị trường điện (trừ các tổ máy có ràng buộc huy động theo bao tiêu hoặc khả năng cấp nhiên liệu). Việc lựa chọn phương án giá trần thị trường điện áp dụng cho năm N theo các nguyên tắc: Bảo đảm tối ưu kinh tế - kỹ thuật, hài hòa lợi ích giữa bên mua điện và bên bán điện trên thị trường điện; Bảo đảm đồng bộ, phù hợp với việc lựa chọn nhà máy điện mới tốt nhất để xác định giá công suất thị trường điện nhằm mục tiêu thu hồi đủ chi phí phát điện, khuyến khích các nhà máy tham gia thị trường điện.
ii) Phân tích quá khứ (Ảnh 1):
Ảnh 1. Giá trần thị trường điện giai đoạn 2012 - 2025
Giá trần thị trường điện (SMPcap) có xu hướng tăng theo thời gian, với một số biến động nhỏ trong các giai đoạn nhất định.
Đường xu hướng (đường nét đứt) được mô hình hóa theo hàm mũ, với hệ số xác định =0.8035, cho thấy mức độ phù hợp khá cao.
Từ 2021 trở đi, giá SMPcap tăng mạnh hơn, đặc biệt vào năm 2023 (một phần do ảnh hưởng của cao điểm giá nhiên liệu cho sản xuất điện).
iii) Nhận định tương lai dựa trên xu hướng quá khứ:
Nếu mô hình hàm mũ tiếp tục đúng, giá SMPcap có khả năng tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, 2024 có mức giảm so với 2023, cho thấy sự không ổn định trong biến động giá.
iv) Kết luận và Chiến lược cho các bên tham gia DPPA tài chính:
Trong ngắn hạn và trung hạn, giá trần thị trường điện có xu hướng tăng hoặc linh hoạt. Giá trần thị trường điện tăng định hướng giá thị trường điện giao ngay cũng có xu hướng tăng.
Giá thị trường điện giao ngay tăng kéo theo doanh thu của ĐVPĐ NLTT từ thị trường điện tăng lên.
Đối với KHL, nếu kí hợp đồng DPPA tài chính với ĐVPĐ NLTT với mức giá cố định (ví dụ trong 10 năm) thì sẽ giảm được phần thanh toán sai khác do chênh giá giữa giá hợp đồng và giá thị trường điện giao ngay.
2. Giá thị trường điện bình quân tháng
i) Khái niệm:
Giá thị trường điện bình quân hàng tháng (Aver SMP) là giá điện trung bình của tất cả các chu kỳ giao dịch trong tháng đó (chu kỳ giao dịch trong thị trường điện là 30 phút). Theo Thông tư 16/2025/TT-BCT, ngày 01/02/2025, giá thị trường điện tuân theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM).
ii) Phân tích quá khứ(Ảnh 2):
Ảnh 2. Giá thị trường điện bình quân tháng năm 2022, 2023
Giá thị trường điện cao vào đầu năm (tháng 1 – 4), giảm trong tháng 5 – 8 và ổn định ở mức thấp vào tháng 9 – 11.
Xu hướng giá điện bình quân theo các tháng năm 2022 và 2023 có sự khác biệt ở các tháng 5 – 8 do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, giá điện năng thị trường giao ngay trung bình đạt 1.091,3 đồng/kWh (giá thị trường điện bình quân năm 2024 thấp hơn năm 2022 và 2023, một phần do quy định giá trần thị trường năm 2024 thấp chỉ 1,510 VNĐ/kWh).
Lưu ý:Giá thị trường điện toàn phần FMP tại mỗi chu kỳ giao dịch bằng tổng của giá thị trường điện giao ngay (SMP) và giá công suất (CAN) tại chu kỳ giao dịch đó. Điện gió, điện mặt trời không hưởng giá công suất (CAN) do không cam kết cung cấp công suất liên tục, do vậy SMP chính bằng FMP.
iii) Nhận định tương lai dựa vào xu hướng quá khứ:
Xu hướng giá điện điển hình là các tháng đầu năm 2002 (chưa xảy ra khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu) và cuối năm 2023 (đã qua giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu). Giá điện cao ở các tháng đầu năm, giảm ở các tháng giữa năm, và giữ ổn định ở mức thấp vào các tháng cuối năm trước khi tăng trở lại vào tháng 12.
iv) Định hướng phân tích đánh giá cụ thể:
Để đánh giá được doanh thu của ĐVPĐ NLTT từ thị trường điện giao ngay trong năm, cần xác định được khả năng sản xuất điện của ĐVPĐ NLTT theo mùa. Sản lượng cao vào mùa giá cao cho doanh thu cao, ngược lại sản lượng thấp sẽ làm giảm doanh thu.
Bên canh đó, ĐVPĐ NLTT có khả năng phát điện biến đổi liên tục theo thời gian. Điện mặt trời chỉ có khả năng phát điện vào ban ngày (thường từ 5h sáng đến 5h chiều), trong khi điện gió có khả năng phát điện cả ban ngày và ban đêm. Giá điện trên thị trường điện giao ngay cũng thay đổi theo từng chu kỳ giao dịch phụ thuộc vào cân bằng cung cầu trên thị trường, và nằm trong dải từ giá sàn đến giá trần thị trường. Do vậy, để đánh giá chính xác được doanh thu của ĐVPĐ NLTT qua thị trường điện cần xác định được khả năng sản xuất điện theo từng chu kỳ giao dịch (30 phút). Nói cách khác, doanh thu từ thị tường điện của nhà máy sẽ phụ thuộc vào sản lượng và giá điện tại chu kỳ giao dịch đó.
3. Giá bán lẻ điện bình quân
i) Khái niệm:
Theo Nghị định 72/2025/NĐ-CP, ngày 28/3/2025, “giá bán lẻ điện bình quân là mức giá bán lẻ điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện và mức lợi nhuận bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ”. Giá bán lẻ điện bình quân có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như giá mua điện từ nhà máy điện, chi phí truyền tải, phân phối, thuế và các khoản chi phí khác liên quan đến việc cung cấp điện.
ii) Phân tích quá khứ(Ảnh 3):
Ảnh 3. Giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2009 – 2024
Giá bán lẻ điện bình quân (Aver REP) có xu hướng tăng dần qua các năm từ năm 2010 đến năm 2024.
Tỷ lệ điều chỉnh (Adjustment Share) có sự biến động mạnh, đặc biệt tăng cao vào năm 2012 (23.25%) và sau đó giảm dần. Tỷ lệ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hàng năm trung bình là 5.62% trong giai đoạn 2010 – 2024.
Một số năm không có sự điều chỉnh giá điện (2015, 2016, 2018, 2020, 2021).
Trong giai đoạn gần đây (2023-2024), mức điều chỉnh bình quân là 6.22%/năm.
iii) Nhận định tương lai dựa trên xu hướng quá khứ: Past-based future outlook
Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá điện có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong các năm tới. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh có thể giảm dần do các chính sách bình ổn giá hoặc kiểm soát tác động lên nền kinh tế và xã hội.
iv) Kết luận và định hướng phân tích đánh giá cụ thể:
Xu hướng giá bán lẻ điện bình quân ảnh hưởng đến chiến lược đàm phán của ĐVPĐ NLTT (ví dụ, xu hướng giá tăng là cơ sở để ĐVPĐ NLTT đề xuất mức giá bán cao hơn). Đối với KHL, xu hướng giá điện ảnh hưởng đến chiến lược mua điện (mua từ EVN, hay mua từ ĐVPĐ NLTT qua hợp đồng DPPA tài chính, tỷ lệ mua qua các các cơ chế, đàm phán giá hợp đồng DPPA cố định hay linh hoạt).
Chi phí điện năng của KHL phụ thuộc vào tiêu thụ điện theo thời gian (giờ trong ngày, ngày trong tuần, theo mùa), và giá bán lẻ điện mà KHL đang trả (giá theo cấp điện áp và khung giờ cao thấp điểm đối với hộ công nghiệp nếu mua từ EVN). Do vậy, để đưa ra được chiến lược mua điện tối ưu, KHL cần phân tích đánh giá chi phí điện năng theo các dữ liệu thực của đơn vị mình.
Hãy liên hệ ngay với SEIAC qua số hotline +84 963587788 hoặc email info@seiac.vn để có thêm chi tiết và được tư vấn giải pháp DPPA phù hợp với doanh nghiệp.